Mạng xã hội đang tác động mạnh mẽ vào văn hóa truyền thông đại chúng tại Việt Nam với những tác động tích cực và tiêu cực. Nhờ sự đóng góp tích cực của các thành viên mạng xã hội, đời sống văn hóa của con người ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn với việc liên tục cập nhật, lan truyền các thông tin mới thông qua hình thức đăng tải thông tin phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, các phong trào mang ý nghĩa nhân văn, hoạt động nhân đạo cũng được phổ biến rộng rãi. Mạng xã hội còn là nơi tạo ra dư luận mạnh mẽ, góp phần lên án cái xấu, cái sai trong nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, mạng xã hội cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề lớn tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay nhiều người dân đã cài đặt trên thiết bị thông minh để sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo, Instagram và các App thực hiện giao dịch tài chính, đầu tư… đây cũng là môi trường để các loại tội phạm sử dụng công nghệ thực hiện mục đích lừa đảo trên không gian mạng. Những người già, người lớn tuổi thường có ít kiến thức về công nghệ và không thường xuyên cập nhật tin tức tuyên truyền của cơ quan chức năng, không nhận diện đúng, đầy đủ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hoặc những người có tâm lý chủ quan, không cẩn thận xác minh qua số điện thoại của người thân khi nhận được tin nhắn vay tiền, chuyển khoản qua các nền tảng mạng xã hội, kể cả khi thấy số tài khoản nhận chuyển khoản không đúng tên người thân… Những người có tài sản lớn, vị trí xã hội cao, người làm kinh doanh… sẽ là đối tượng đễ bị chú ý và hoặc những người đang trong trạng thái tâm lý yếu, đang gặp phải các vấn đề stress, lo lắng… dễ bị lừa bằng các thông tin giả mạo.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn huyện tiếp tục ghi nhận tội phạm lừa đảo qua mạng với phương thức thủ đoạn chủ yếu dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền mua đơn hàng ảo để hưởng tiền hoa hồng, chuyển tiền mua hàng qua mạng nhưng không giao hàng, chuyển tiền để làm thủ tục mượn tiền; giả danh cơ quan tư pháp, cơ quan chức năng khác lừa nạn nhân chuyển tiền để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản qua ứng dụng internet banking... Tính trong 06 tháng đầu năm 2024, Công an huyện đã phát hiện, khởi tố điều tra 18 vụ lừa đảo qua mạng, tổng số tiền bị lừa trên 4,278 tỷ đồng.
Trước phương thức, thủ đoạn trên của các loại tội phạm, Công an huyện khuyến cáo: Người dân cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội như: Viber, Zalo, Facebook, Telegram… cần xác minh, kiểm tra lại thông tin bằng cách gọi lại số điện thoại di động của người thân (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội) để kiểm tra, đối chiếu thông tin. Hạn chế đăng tải các thông tin cá nhân, hình ảnh, video… của bản thân, người nhà tùy tiện lên mạng xã hội, tránh lộ thông tin cá nhân để các loại tội phạm lợi dụng thông tin thực hiện các hành vi lừa đảo.
Đồng thời cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức hơn khi sử dụng mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác, tăng cường cập nhật tin tức tuyên truyền của các ban, ngành đoàn thể và công an các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm lợi dụng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân, bạn bè, đồng nghiệp trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hãy báo ngay cho cơ quan Công an xã - thị trấn nơi gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý.