Diễn biến Bão số 4 (Noru)
Cập nhật : 9:38 Thứ năm, 29/9/2022
| Lượt xem:
920
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 19 giờ ngày 28-9, hoàn lưu bão số 4 đã làm 57 người bị thương (Quảng Trị 8; Thừa Thiên - Huế 8; Quảng Nam 41); 94 nhà sập (Quảng Trị 2; Thừa Thiên - Huế 6; Quảng Nam 65; Quảng Ngãi 21); 3.246 nhà bị hư hại, tốc mái (Quảng Trị 137; Thừa Thiên - Huế 419; Đà Nẵng 228; Quảng Nam 1.150; Quảng Ngãi 1.278; Gia Lai 7; Kon Tum 27).
Hình ảnh thiệt hại do Bão số 4 (Noru) gây ra
Mưa bão cũng đã khiến 77 điểm trường bị ảnh hưởng; hơn 1.038 ha hoa màu, 6 ha thủy sản bị ngập; 5.262 cây xanh gãy đổ; 8 tàu nhỏ (Đà Nẵng 4; Quảng Nam 4) bị hư hại, chìm tại khu neo đậu; 1.666 con gia súc, 1.475 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi; 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến quốc lộ và 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời.

Sau bão số 4 sẽ còn mưa lớn, mối nguy hiểm lớn nhất trong ngày 29/9 là sạt lở, trong đó, đáng lo ngại nhất là các sườn đồi núi ở khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị); Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế); Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam); Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đắk Tô (Kon Tum).


Theo thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, có một kinh nghiệm là thường xuyên theo dõi xung quanh nhà, nếu thấy có các hiện tượng như nứt, lún tường nhà thì sạt lở đất sắp xảy ra hoặc dòng suối chuyển màu từ trong sang đục cũng là dấu hiệu về lũ quét, sạt lở đất.
Tác giả: Nguồn tin: Trung tâm Tin tức VTV24 / Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia