Đồng chí Năm Chà (áo trắng, hàng đầu) chụp hình với người dân
trong ngày kỷ niệm Nam bộ Kháng chiến, năm 1982
Đến với Địa chỉ đỏ - nhà ông Nguyễn Thanh Trà (tức Năm Chà) tại số 36/2, ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, người gõ “Tiếng mõ Nam Lân” trong Khởi nghĩa Nam Kỳ để kêu gọi mọi người nhất tề đứng dậy chống giặc ngoại xâm. Căn nhà bằng gỗ, lợp mái ngói được xây dựng chắc đã lâu lắm rồi nhưng vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đây là một trong những “Địa chỉ đỏ” là nơi hội họp của cán bộ Xứ ủy Nam bộ khi xưa. Nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng từ năm 1936 - 1940 như các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Mai Công Tự, Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ… thường đi đến lưu trú hội họp. Là nơi tổ chức hội họp của các đồng chí Trung ương Đảng, Xứ ủy, Tỉnh ủy, Chi bộ…“Hằng năm, cứ đến ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ nhiều du khách từ các nơi đến thăm “Địa chỉ đỏ”- nhà ông Năm Chà, để ôn lại truyền thống hào hùng của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp.
Người nhà ông Nguyễn Thanh Trà cho biết: Ông Nguyễn Thanh Trà sinh năm 1908. Năm 1931, ông tham gia cuộc biểu tình ở Hóc Môn, ông bị bắn vào đùi. Năm 1936, ông Năm Chà tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, đi vận động đồng bào đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Năm 1938, bị giặc khủng bố, ông phải rút về hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở Đảng. Năm 1940, ông tham gia cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ đánh lấy bót Ngã 5. Năm 1945, ông tham gia mặt trận Việt Minh, vận động quần chúng xuống đường cướp chính quyền ở Sài Gòn. Sau đó ông làm Thư ký Hội Nông dân cứu quốc xã. Năm 1946, ông vinh dự trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1947, đồng chí giữ nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt minh xã. Tháng 3/1948, đồng chí bị bắt giam 3 tháng. Năm 1949, đồng chí Năm Chà đi dự lớp bổ túc văn hóa do Tỉnh ủy Gia Định mở tại An Thành. Năm 1950, đồng chí giữ chức Hội phó Hội Liên việt xã. Năm 1954, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, phát động quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tháng 10/1957, đồng chí bị bắt rồi bị giam đến tháng 10/1962 tại Côn Đảo. Năm 1962, đồng chí Năm Chà liên lạc với đồng chí Ba Bún, xây dựng lại cơ sở Đảng gồm có đồng chí Tám Nhang, đồng chí Út Thành, đồng chí Ba Đậm. Năm 1967, đồng chí Năm Chà liên lạc với đồng chí Ba Súng để xây dựng Chi bộ Tân Thới Nhứt. Năm 1968, khi bộ đội về làng, đồng chí lo vận động, tiếp tế cho bộ đội đến khi rút quân. Năm 1969, đồng chí lại xây dựng cơ sở ở xã và liên lạc với đồng chí Thanh, Huyện ủy Tân Bình hoạt động tới ngày giải phóng. Năm 1976, đồng chí Năm Chà phụ trách Chi bộ ấp Thuận Kiều và ấp Lạc Quang, xã Tân Thới Nhứt (nay là phường Tân Thới Nhứt, Quận 12).
Giấy xác nhận quá trình hoạt động của ông Năm Chà
Đồng chí Năm Chà đã mất năm 1998, nhưng “tài sản” tinh thần vô giá của ông gồm Huân chương kháng chiến Hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác do Đảng, Nhà nước trao tặng vẫn được con cháu lưu giữ cẩn thận. 8 năm đã trôi qua kể từ ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhiều cán bộ cách mạng bị địch bắt và sát hại nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân Nam Bộ vẫn còn ngời sáng mãi đến ngày nay.
Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa rộng lớn nhất, mạnh mẽ nhất so với các cuộc khởi nghĩa chống Thực dân Pháp trước đó của đồng bào ta. Đây là sự kiện lịch sử chói lọi, lần đầu tiên Cờ đỏ sao vàng xuất hiện và tung bay khắp nơi. Nhằm ghi nhận công lao của Đội quân Khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, huân chương cao quý nhất lúc bấy giờ cho “Đội quân Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt và biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”. Tiếng mõ Nam Lân thuở xưa cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa cách mạng và sẽ âm vang mãi đến muôn đời con cháu sau này…
Tiếng mõ Nam Lân ngày xưa được ông Năm Chà đánh để chống giặc ngoại xâm vẫn còn âm vang mãi trong lòng người dân Bà Điểm. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ phát huy truyền thống cách mạng của cha ông đi trước, chung sức xây dựng quê hương Hóc Môn - Bà Điểm ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình.