Đảng bộ Hóc Môn đã có kế hoạch khởi nghĩa và sự chỉ đạo chuẩn bị về tổ chức rất chặt chẽ. Trước cuộc khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa quận Hóc Môn được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Sáng - Bí thư Quận ủy, Đảng bộ Hóc Môn đã huy động được một lực lượng lớn quần chúng tham gia khởi nghĩa cùng với lực lượng nghĩa quân của 04 tổng chia thành 04 mũi tấn công vào Dinh quận Hóc Môn. Trong chiến đấu, những chiến sĩ cộng sản đã thể hiện được ý chí tiến công liên tục, lòng dũng cảm quên mình, không quản ngại sự nguy hiểm, hy sinh.
Qua cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại quận Hóc Môn đã để lại những tấm gương hy sinh oanh liệt, sáng ngời; thể hiện được khí tiết trung kiên, tinh thần đấu tranh cách mạng cao cả của những người chiến sĩ cộng sản quê hương 18 thôn Vườn trầu - Hóc Môn - Bà Điểm: đồng chí Phạm Văn Sáng, người Bí thư Quận ủy năm 1940 lãnh đạo chung và trực tiếp chỉ đạo một cánh quân cùng xung phong chiến đấu với nghĩa quân; đồng chí Đỗ Văn Dậy - Quận ủy viên, tuổi đời vừa tròn 20 đã dũng cảm quên mình trong chiến đấu và hy sinh anh dũng; đồng chí Đặng Công Bỉnh, người chỉ huy cánh quân mũi nhọn Tổng Long Tuy Hạ đã giữ trọn khí tiết của người cộng sản, anh dũng đấu tranh đến giờ phút sau cùng làm cho kẻ thù thán phục và nể sợ: "Thật xứng đáng là ông vua Bỉnh, ông nguyên soái cộng sản", nữ đồng chí Nguyễn Thị Thử trước họng súng kẻ thù đã thể hiện khí tiết quật cường qua câu nói bất hủ: "Thử này chết đi còn trăm ngàn Thử khác tiếp tục chống Tây, cứu nước, đòi độc lập, tự do…".
Qua Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), Đảng bộ Hóc Môn một lần nữa đã chứng tỏ Đảng bộ của quê hương có truyền thống lâu đời, có ý nghĩa kiên trung trước sau như một, là cái nôi của cách mạng, của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy dù cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) bị thất bại; tổ chức Đảng và những chiến sĩ cộng sản của quận Hóc Môn bị địch tàn sát nặng nề nhưng vẫn không dập tắt được ngọn lửa kiên cường bất khuất của Đảng bộ Hóc Môn. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, các chiến sĩ cộng sản âm thầm gầy dựng lại cơ sở trong lòng nhân dân. Qua cuộc khởi nghĩa, đảng viên và quần chúng cách mạng được thử thách, tôi luyện và trưởng thành. Từ những kinh nghiệm quý báu của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), Đảng bộ Hóc Môn tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh anh dũng và góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc cách mạng Tháng tám (1945) và ngày toàn thắng 30/4/1975 lịch sử.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Quận Hóc Môn (1940) đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quật cường khởi nghĩa của nhân dân 18 thôn Vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hóc Môn đã tin tưởng tuyệt đối vào Đảng; một lòng một dạ theo Đảng tiến hành cuộc khởi nghĩa với tinh thần cách mạng tiến công, không sợ mất mát, hy sinh để giành lấy quyền sống, quyền độc lập tự do cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa nổ ra với một khí thế, sức mạnh long trời, vừa rộng rãi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân Hóc Môn tham gia. Lực lượng nghĩa quân, du kích ở các Tổng, các làng với quần đùi, áo cộc, cởi buộc khăn rằn trang bị dao găm, rìu ,búa, tầm vông vạt nhọn… làm nòng cốt cùng quần chúng nổi trống mõ, tù và, đốt đuốc, nổi dậy diệt tề, trừ gian, cướp đồn bót, nhà việc xã, tước súng của tề làng; đốt cây chặn đường, cắt dây điện thoại, đốt cầu Bông, gỡ ván cầu Rạch Tra… Đặc biệt đỉnh cao là cuộc tấn công anh dũng của quần chúng và lực lượng nghĩa quân các Tổng vào Quận lỵ Hóc Môn đêm 22 rạng 23/11/1940. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, sức mạnh quật khởi của Nhân dân Hóc Môn dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), giặc Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng tại Hóc Môn. Chúng xua quân tàn sát dã man những chiến sĩ cộng sản và nhân dân yêu nước, đốt nhà cửa, phá hoại hoa màu, ruộng vườn, cướp tài sản, hãm hiếp phụ nữ, bắt giết người già, trẻ em… Dù mất mát, tổn thất rất to lớn, nhưng Nhân dân Hóc Môn vẫn giữ vững niềm tin, một lòng son sắt đi theo Đảng, sống chết bảo vệ Đảng. Điển hình như ông Sáu Khừng - một nông dân yêu nước, nhà của ông là nơi hội họp của Tỉnh ủy Nam Kỳ đã bị địch bắt tra tấn dã man, ông đã giữ tròn khí tiết không khai báo, sau đó bị giặt bắn chết cùng với nữ đồng chí Nguyễn Thị Thử, các ông Võ Văn Đã, Nguyễn Văn Sinh đã tham gia đốn cây chặn đường, cắt dây điện thoại, bà Võ Thị Hồi tham gia trải truyền đơn, nổi trống, mõ, tù và…
Chính vì vậy, sau Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) thất bại, khi Đảng bộ Hóc Môn tiếp tục gầy dựng cơ sở, Nhân dân Hóc Môn đã che chở, nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ Đảng viên và tiếp tục tham gia chiến đấu dũng cảm đi đến thắng lợi cuối cùng.
Nghị quyết khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ đã đáp ứng được nguyện vọng của Đảng viên và quần chúng nhân dân Hóc Môn. Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn đã tiến hành khởi nghĩa với tinh thần sáng tạo và đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ.
Dưới áp bức, bóc lột vô cùng dã man, tàn bạo của Thực dân Pháp và tay sai, đời sống nhân dân Hóc Môn lâm vào cảnh bần cùng hóa và lầm than cơ cực. Từ đó, họ càng nung nấu tinh thần căm thù sâu sắc trước chính sách cai trị khắc nghiệt của kẻ thù. Nghị quyết của Xứ ủy đã đáp ứng được nguyện vọng, tiếp thêm nguồn sức mạnh và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh sục sôi của Đảng viên và quần chúng nhân dân. Mọi người đều rất phấn khởi và mong muốn đứng lên khởi nghĩa vũ trang để giải phóng đất nước thoát khỏi ách nô lệ, giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Từ lúc chuẩn bị đến khi tiến hành khởi nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn luôn thể hiện được tinh thần sáng tạo và đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ. Từ khâu chuẩn bị lực lượng, luyện tập quân sự ở các làng đến lúc thành lập các cánh nghĩa quân tấn công vào quận lỵ đều tránh được tai mắt của bọn Hội tề, lính kín, tên Quận trưởng Thọ và bọn tay sai không hề hay biết. Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của Quận đã chủ động có kế hoạch rút lui khỏi Quận lỵ để bảo toàn lực lượng khi gặp tình huống bất lợi.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với Nam bộ nói chung, đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn nói riêng.
Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn vô cùng tự hào về những truyền thống vẻ vang của quê hương với những trang sử hào hùng, oanh liệt qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Quê hương Hóc Môn - Bà Điểm rất vinh dự được Xứ ủy Nam Kỳ chọn nơi họp hội nghị và phát lệnh Nam Kỳ khởi nghĩa (1940). Từ đó, Hóc Môn được xem là chiếc nôi, là quê hương Nam Kỳ Khởi nghĩa. Nối tiếp truyền thống 300 năm xây dựng và phát triển, truyền thống quê hương 18 thôn Vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm, nơi nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng ta được nhân dân đùm bọc, che chở an toàn trong thời kỳ 1936 - 1939, nơi giặc Pháp đã xây dựng 03 trường bắn giết hại nhiều đồng bào, đồng chí yêu nước… Truyền thống quê hương Nam Kỳ Khởi nghĩa là mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc, là bài học cách mạng vô giá để giáo dục cho các thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau học tập noi theo. Truyền thống quê hương Nam Kỳ Khởi nghĩa là chất liệu đặc biệt, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để Đảng bộ và nhân dân Hóc Môn vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Hóc Môn theo mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh", xứng đáng là huyện anh hùng của Thành phố mang tên Bác.