Lợi dụng tình hình quản lý, kiểm tra quy trình PCCC của các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay, mà các đối tượng xấu giả danh cơ quan chức năng để kiếm lợi.
Đối tượng dễ dàng mắc bẫy bọn lừa đảo này nhất là các cơ sở, đơn vị mới đi vào hoạt động chưa nắm bắt kịp các nguồn thông tin. Chúng chớp thời cơ giới thiệu mình là cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH để phối hợp làm các giấy tờ liên quan đến công tác PCCC, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH giá cao hơn thị trường; mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CNCH và yêu cầu chuyển tiền.
Sau khi nhận được tiền thì các đối tượng này biến mất, cắt đứt liên lạc và không hề có bất cứ tài liệu hay sách gì được chuyển tới tay người mua. Lúc này, người dân mới nhận ra là bị lừa, theo đó, hành vi này không những trực tiếp chiếm đoạt tài sản người mà còn gián tiếp làm tổn hại đến uy tín của cơ quan chức năng, mà cụ thể là Cảnh sát PCCC và CNCH.
(1) Vậy hành vi giả danh cảnh sát bị xử lý thế nào?
Truy cứu TNHS với đối tượng giả danh cảnh sát
Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội không nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ vào Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP người giả danh lực lượng công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân thì:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
- Phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
- Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 20 hoặc trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 20.
Áp dựng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
(2) Giả danh cảnh sát nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?
Về hình sự:
Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về hành chính:
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 20, điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt với các mức phạt sau đây:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.