Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng
Huyện Hóc Môn nằm ở phía tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí địa lý: Phía đông giáp thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương với ranh giới là sông Sài Gòn; Phía tây giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Phía nam giáp Quận 12, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh; Phía bắc giáp huyện Củ Chi. Huyện có diện tích 109,17km, dân số khoảng 593.275 người, mật độ dân số đạt 4.967 người/km2; có trên 90% là người Kinh và một số ít người Hoa và người Khơ-me; đa số người dân có phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, một số ít theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Cao Đài.
Đặc biệt Hóc Môn có 18 thôn Vườn trầu (Thập bát Phù viên) năm xưa, hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, nơi đã sản sinh ra nhiều lớp người con ưu tú, trọn đời hy sinh vì dân, vì nước; là nơi duy nhất ở Nam Bộ, được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm căn cứ địa, bí mật cả nước thời kỳ 1936 - 1939 hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng; có nhiều di tích văn hóa lịch sử như Ngã Ba Giồng, 18 thôn Vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm, Dinh Quận... Ngoài ra, còn có nhiều đình làng xa xưa, ghi dấu thời khai hoang lập ấp còn lưu giữ đến nay. Nơi đây còn mang nhiều nét bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt gắn liền với phong tục ăn trầu cau của người Việt Nam, những cội nguồn, dữ liệu văn hóa, lịch sử, truyền thống quý báu.
Di tích lịch sử Dinh quận Hóc Môn
Đến Hóc Môn du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình mỹ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa như: Công trình Tượng đài các chiến sĩ cách mạng tại Cầu Xáng (29/1A, ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) của Nhà điêu khắc Nguyễn Thái Bình. Tác phẩm được thể hiện trong một không gian hẹp của Đài tưởng niệm liệt sĩ Cầu Xáng. Tổng thể hạng mục công trình bao gồm: Nhà bia, tượng đài, cổng và hàng rào..., được khép kín và thường mở cổng trong các dịp lễ viếng nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của địa phương, dân tộc. Tượng đài là hình tượng 04 nhân vật theo dạng hình tháp đứng, quỳ, ngã xuống thể hiện khí phách kiên cường và sự hy sinh bất khuất của các chiến sĩ cộng sản và đồng bào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tượng đài Nam kỳ Khởi nghĩa đặt trước Dinh quận Hóc Môn của Họa sĩ Lâm Quang Nới. Tổng thể tác phẩm bố cục 03 nhân vật có chiều cao 3,5m đang xốc tới: Nam thanh niên cầm cờ Tổ quốc, nữ nông dân cầm gậy tầm vông, cụ già Nam bộ tay trái cầm tù và thổi, tay phải cầm mã tấu. Tác phẩm được đặt trên bệ cao khoảng 2,5m, các mặt có phù điêu diễn tả lại cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra vào đêm 22 rạng sáng 23 tháng 11 năm 1940.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng
Quần thể tượng đài, phù điêu Ngã Ba Giồng tại xã Xuân Thới Thượng do Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Họa sĩ Nguyễn Thành Thi và Lâm Quang Nới thực hiện. Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng được khởi công xây dựng lại ngày 30/4/2005 trên tổng diện tích quy hoạch 73.708m2. Trong đó có các công trình chính như: Đền thờ, nhà truyền thống, quảng trường, các cụm tượng đài (Sống vĩ đại - Chết vinh quang; Chiến sĩ vô danh, Bất khuất)…
Sau khi chiêm ngưỡng và bày tỏ tấm lòng tri ân tại các công trình lịch sử, du khách có thể thư giãn, nghỉ ngơi đi lễ chùa trên địa phận Hóc Môn với những địa điểm nổi tiếng như chùa Hoằng Pháp, chùa Pháp Bửu, chùa Giác Nguyên, chùa hang…
Công viên du lịch sinh thái Hóc Môn
Bên cạnh đó Hóc Môn cũng nổi danh là nơi có nhiều đình, chùa, miếu nhất Đông Nam bộ. Các đình ở Hóc Môn là nơi thờ Thần Hoàng có tuổi đời hơn trăm năm, với thiết kế kiến trúc độc đáo như: đình Tân Thới Nhứt (xã Bà Điểm), đình Tân Đông (xã Đông Thạnh), đình Tân Thới Nhì (Thi trấn), đình Mỹ Hòa (xã Tân Xuân), đình Hòa Bình (xã Xuân Thới Sơn)… là một gợi ý du khách có thể ghé thăm để cầu một năm thuận lợi, bình an. Tiếp đó du khách còn có thể “check in” Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng; Công viên Cá Koi Rin Rin Park; Cánh đồng hoa Nhị Bình được công nhận là các điểm đến đẹp, đặc sắc tại Thành phố, tích hợp vào danh sách các điểm quét 3D/360.
Vào buổi tối du khách hãy đến Công viên du lịch sinh thái Hóc Môn hoặc khu ẩm thực trên đường Song hành Quốc lộ 22 để thư giãn và thưởng thức những món ăn đặc sắc, đậm vị và rất bắt “trend” như bánh đồng xu, trà chanh giã tay, BBQ, các món ăn miền quê đậm chất nông thôn dân dã.
Ngày Xuân mời bạn đến với Hóc Môn để cảm nhận và khám phá những điều vừa thân quen vừa mới mẻ của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng đang vươn mình phát triển.