Hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều điểm bán bánh Trung thu. Rạo quanh một vòng, bánh Trung thu hiện có rất nhiều các dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Để có được thành phẩm đến tay người tiêu dùng, thì những chiếc bánh Trung thu phải qua rất nhiều công đoạn và nguyên liệu thực phẩm như bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm, các loại bao gói bánh. Đặc biệt bánh được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp. Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Bên cạnh những thương hiệu đã có từ rất lâu như: Girval, Đồng Khánh, Kinh Đô, Như Lan… thì đâu đó xuất hiện nhiều thương hiệu bánh rất mới lạ từ các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, thành phần cấu tạo nên bánh, cách bảo quản; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu, có mùi khó chịu…. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Chỉ sử dụng bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Tết Trung thu là Tết đoàn viên, là Tết của thiếu nhi vì vậy các bậc cha mẹ hãy là người tiêu dùng thông minh để Tết Trung thu được trọn vẹn, hạnh phúc bên gia đình.