Tôi có gì thắc mắc các bác, các chú giải thích rất thỏa đáng, ngắn gọn dễ hiểu giống như là giáo viên văn, tôi có cảm tình ngay và giúp đỡ các chú, các bác bằng cách mua giấy viết, mua đồ lặt vặt. Khi tôi đậu bằng Sơ học yếu lược Việt + Pháp (cấp 1), làng lính mời tôi làm giáo viên hoặc làm thư ký. Tôi hỏi các bác, các chú đều trả lời giống nhau: Có điều kiện nên học tiếp sẽ nên người, sự hiểu biết rộng hơn có lợi cho mình và có ích cho xã hội, cho tổ chức sau này. Tôi tiếp tục đi học, vừa học vừa giúp đỡ các chú, các bác, từ cảm tình Đoàn, học điều lệ Đoàn, được tổ chức kết nạp Đoàn, lúc đó là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam năm 1955, tôi không biết ai là Bí thư Đoàn, không biết cờ Đoàn, công việc do một đồng chí trực tiếp chỉ đạo. Sau hiệp định Giơ-neo-vơ, tôi tham gia tuyên truyền nội dung hiệp định, chống đi quân dịch, ngày lễ treo cờ và biểu ngữ, rải truyền đơn.
Năm 1962, tổ chức cho tôi đi học đối tượng Đảng, lúc này cán bộ kêu tôi đi học y tá, một là lo sức khỏe cán bộ nằm vùng, hai là làm cứu thương cho du kích. Thời gian đi học, tôi đi mua thuốc tây, chủ yếu là kháng sinh, địch biết ta cần nên cấm bán nhiều, mỗi ngày mua được 2 lọ Penicillin, vài chục viên Ti phô và phải trình giấy tùy thân. Tôi phải nhờ bác sĩ có phòng mạch để mua nhiều kháng sinh, vị bác sĩ là sĩ quan quân y làm việc ngoài giờ, nhưng rồi họ vẫn biết. Có lần bảo: tình hình an ninh lộn xộn, em phải cẩn thận. Năm 1963, tôi được tổ chức kêu về. Sau này tôi mới biết đường dây mua thuốc bị lộ, tổ chức đang theo dõi một y tá tư là con em gia đình cách mạng, cưới vợ nhằm gia đình cảnh sát, tình báo. Kêu tôi về để kết nạp Đảng và phân công việc khác. Trên đường về bị lính Tân Bình bắt, chúng đưa về quận Tân Bình, quận sơ sài, hàng rào thấp, chưa có nhà tù, chỉ có nhà tạm giam thường phạm, vùng này tôi quen đường đi lối lại nên yên tâm. Tối chúng đem lên tra khảo, trong lúc tra khảo chúng hớ một câu: Cộng sản đi họp mà cũng đem nem theo nhậu (tay Y tá làm phòng mạch tư trên đường cán bộ về Mỹ Hạnh là khu an toàn để theo dõi). Sau khi tôi chạy thoát báo lại tổ chức, tổ chức mới làm việc, anh ta khai!
Đồng chí Ba Thanh và tác giả
Tôi bị đem ra tra tấn, địch đổ nước xà phòng, bịt mặt bằng khăn cho ngộp thiếu oxy phải uống nước, uống no chúng ngồi lên bụng cho nôn ra, lại đổ tiếp, tôi cả ngày không ăn đuối sức nên bị ngất, chúng chưa có lời khai nên sợ tôi chết, chúng đem về nhà tạm giam. Tôi hồi tỉnh, tập trung tìm cách trốn: trèo qua tường thấp, dưới để xe cộ vi phạm bị tịch thu. Sáng 5 giờ, tôi nghe tiếng mở cổng, rồi nghe tiếng xe máy nổ mà không nghe tiếng đóng cổng. Đây là dịp may, tôi kêu tên lính gác tù cho tôi đi cầu, vào nhà cầu tôi cởi quần dài, tìm được cục gạch quấn vào quần, khi mở cửa ra, bất ngờ tôi đập mạnh vào đầu tên lính và chạy nhanh ra cổng, lính gác cổng lấy được súng là tôi chạy xa quá tầm đạn, tôi len lỏi mò về cơ sở, nhờ cơ sở báo tin tôi đã vượt ngục, nhờ tìm các đồng chí trong Chi bộ. Trong thời gian dưỡng thương 1 tháng mà không liên lạc được tổ chức, tôi buộc phải rời thành phố, chớ sớm muộn gì cũng bị bắt lại, tôi theo đường giao liên đi thẳng lên chiến khu B. Tham gia công tác địa phương 12 năm, khi vào chiến khu là tân binh già 28 tuổi. Tôi phấn đấu từ năm 1963 đến năm 1966 thì được thông qua Chi bộ, hồ sơ gửi về tổ chức Đảng ủy Trung đoàn. Gặp trận càn lớn Johnson City, hồ sơ thất lạc! Sau đó, có người gặp báo lại, tôi xin giấy giới thiệu để đi tìm, đồng chí Bí thư Chi bộ ủng hộ, nhiệt tình viết giấy giới thiệu và yêu cầu xác minh lý lịch. Tìm được các đồng chí ở địa phương sống rải rác các nơi. Cuối cùng thì gặp Hai Tú (vai cháu) - người dẫn tôi đi học Điều lệ Đảng, nay là Bí thư Chi bộ - xem thư, đồng chí cẩn thận, đi tìm Huyện ủy xác nhận chữ ký của mình. Sau đó làm thủ tục và tôi được làm Lễ kết nạp Đảng. Sau 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, tôi được về Bộ tư lệnh TP.HCM rồi chuyển về Quận đội Hóc Môn. Năm 1976 chuyển ngành về Phòng Y tế huyện. Năm 1978 về phụ trách Đội Vệ sinh phòng dịch huyện. Đến năm 2008, tôi về hưu, nhưng vẫn tham gia Hội Cựu chiến binh, CLB Truyền thống kháng chiến ở ấp, xã Xuân Thới Thượng. Hàng năm, cứ đến tháng 4, họp mặt các chiến sĩ Gò Môn, tôi như sống lại cảm xúc những ngày hoạt động sôi nổi, được kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng thời kỳ chiến trường Gò Môn 1960 - 1970.
Năm nay, tìm chiến sĩ Gò Môn ở Xuân Thới Thượng không thấy, hoặc chuyển nơi ở, số còn lại trở thành người dân thường, không vào tổ chức đoàn thể nên khó gặp. Tôi tham gia công tác ở địa phương từ năm 1951 đến năm 1963 mới vào chiến khu. Thời gian từ 1961 đến 1973, tôi hoạt động đơn tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhiều cán bộ, cuối cùng là đồng chí Bí thư Chi bộ xã Phạm Phương Thanh, coi như phục vụ chiến trường Gò Môn, rồi Hóc Môn là 12 năm. Ngoài tôi ra cả huyện chắc chắn sẽ còn nhiều chiến sĩ Gò Môn anh dũng kiên cường mà vì lẽ nào đó bị mất liên lạc, người chỉ đạo bị tù, hy sinh thì người công tác đơn tuyến bị thiệt thòi.