1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC), đảm bảo duy trì liên tục các điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở. Đối với các công trình được xây dựng trước khi Luật PCCC năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực phải có kế hoạch đề xuất nguồn kinh phí để cải tạo, xây dựng mới nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn PCCC theo quy định hiện hành.
2. Chủ động trang bị phương tiện PCCC tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở như: Hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, bình chữa cháy, phương tiện cứu nạn - cứu hộ... và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện được trang bị tại cơ sở.
3. Thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC tại chỗ, các tiểu thương và hộ kinh doanh trong khu vực quản lý. Định kỳ phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để chủ động xử lý các tình huống khi có cháy, nổ xảy ra.
4. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt và các nguồn gây cháy khác trong cơ sở; tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, chiếu sáng với hệ thống điện phục vụ công tác chữa cháy, thoát nạn; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomat) cho toàn hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng khu vực và từng quầy (sạp) kinh doanh.
5. Khi bố trí các khu vực ngành hàng khác nhau phải tính toán đến tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình kinh doanh (như bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng dễ cháy) để đảm bảo an toàn PCCC.
6. Tăng cường công tác tuần tra, tự kiểm tra nhắc nhở các tiểu thương, hộ kinh doanh và khách hàng trong việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC như: không thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh; không bố trí hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, lấn chiếm lối thoát nạn; tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, gas, pháo nổ và hóa chất dễ cháy khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng; không tự ý câu mắc điện không đúng kỹ thuật an toàn điện hoặc lắp đặt thêm các thiết bị điện có công suất cao và phải chủ động ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
7. Khi xảy cháy hãy bình tĩnh, phối hợp tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đảm bảo phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”; đồng thời phải nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (số điện thoại 114) và các cơ quan chức năng liên quan để được xử lý kịp thời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.