Việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng diễn ra trên nhiều khía cạnh, bao gồm:
- Đánh cắp bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.
- Gửi, cung cấp nội dung độc hại cho trẻ em.
- Bắt nạt trẻ em thông qua môi trường mạng như cố tình xúc phạm, đe doạ, làm hại, quấy rối, tấn công, cô lập, tẩy chay.
- Thông qua môi trường mạng tạo dựng lòng tin với trẻ em nhằm mục đích gây hại trẻ em như: lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo, doạ nạt, tống tiền.
- Lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em liên quan tới tình dục.
- Sản xuất, sao chép thu thập, trao đổi, tàng trữ, mua bán, phát tán tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, video có nội dung xâm hại tình dục trẻ em.
- Những hành vi khác theo quy định pháp luật...
Việc tiếp xúc lâu dần với những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, hay những nội dung xấu độc trên không gian mạng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ em, cũng như tạo ra những rủi ro về tâm lý, sức khỏe. Thực tế, còn rất nhiều những hoạt động bên ngoài để các em cùng gia đình có thể tham gia để rời xa những tiêu cực từ mạng xã hội mang lại.
Việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân các em, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trên tất cả, vẫn cần nhất đó là sự đồng hành của gia đình với các em, gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn các em, hãy học và chơi cùng con trên mạng internet, cần chú trọng trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Ngoài ra, gia đình lựa chọn sử dụng thiết bị và cài đặt ứng dụng bảo vệ toàn bộ thiết bị điện tử trong gia đình nhằm chặn các nội dung xấu độc không phù hợp với trẻ.
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc kiểm soát và quản lý nguồn dữ liệu mà trẻ em tiếp cận hàng ngày trên mạng là điều vô cùng cấp thiết. Chỉ khi nào các nội dung xấu độc bị ngăn chặn thì khi đó các em mới được phát triển một cách toàn diện và an toàn.