Ảnh (nguồn: internet)
Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí
a) Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm không khí, các giải pháp giảm thiểu phát sinh khí thải, bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
b) Tập trung triển khai các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh, kiểm soát bụi, khí thải trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng.
c) Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phân loại, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí.
d) Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, xe điện, xe đạp hoặc sử dụng các phương tiện công cộng; thực hiện bảo trì, bảo dưỡng tốt xe máy để giảm phát sinh khí thải.
đ) Phát triển công viên và cây xanh công cộng, tăng cường mảng xanh tại các khu dân cư, cơ quan, trường học, hộ gia đình.
e) Sử dụng điện tiết kiệm.
g) Không hút thuốc lá.
h) Hạn chế đốt than, củi, rơm rạ để nấu nướng.
Một số quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan việc ô nhiễm không khí
Quy định tại Điều 20, 21 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
a) Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường (Điều 20 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ)
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 950.000.000 đồng tùy theo hành vi, mức độ vi phạm.
b) Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường (Điều 21 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ)
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng tùy theo hành vi, mức độ vi phạm.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi nêu trên có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở; đình chỉ hoạt động của cơ sở tùy theo hành vi, mức độ vi phạm.
Đồng thời, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành.
Nguồn tin: PHÒNG TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG