1. Đầu tháng 7 vừa rồi, người dân xôn xao trước thông tin Công an sẽ xử phạt người chạy xe gắn máy đội nón bảo hiểm “không đạt chất lượng”. Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã khẳng định lại: Chỉ phạt lỗi chạy xe không đội nón bảo hiểm, đội nón bảo hiểm nhưng không cài quai, đội nón không phải là nón bảo hiểm. Đề nghị báo chí thông tin lại đầy đủ, chính xác ý này. Thế mới biết thông tin trên báo chí cần tuân thủ tính “chính xác, đầy đủ, kịp thời” là rất quan trọng.
2. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, một Bộ trưởng đã thốt lên: “Pháp luật nước ta thuộc loại phức tạp trên thế giới”. Một số dự án sửa đổi, bổ sung luật, từ ngữ sử dụng rất mông lung, khó hiểu; phải phá sản, không khả thi, cũng chỉ vì sự phức tạp, rắc rối của từ ngữ. Ví dụ: đề án lập thẻ Căn cước công dân, lâu nay gọi là Chứng minh nhân dân, ai cũng hiểu. Bây giờ vừa thí điểm CMND 9 số nâng lên 12 số, lở dở chưa gì, lại đề xuất đổi tên Thẻ căn cước nhân dân. Rất tốn kém, lãng phí ngân sách quốc gia, mà càng rắc rối, tối nghĩa. Trong khi người dân ra đường, buộc phải mang theo hàng chục loại giấy tờ tùy thân, rất bất tiện, khổ sở.
3. Trong Luật lao động, đã có khái niệm tiền lương tối thiểu, lương hệ số, tính theo vùng, lại có nhiều văn bản gọi là lương căn bản, lương cơ sở…Nhiều cán bộ khi triển khai, cũng nói đủ thứ lương; khiến người dân hoang mang, không biết cách gọi nào là đúng. Người dân càng khổ khi ký hợp đồng lao động, hoặc tính thuế thu nhập, nghe cán bộ giải thích thế này là “đúng nhất”, “đúng nhì”; lại còn “tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa” thật rắc rối, hình thức.
4. Trên thực tế, người dân sợ nhất khi gặp phải những sai sót về giấy tờ hành chính, nhất là giấy tờ tùy thân, ghi không chính xác. Xin nêu vài trường hợp để chúng ta cùng rút kinh nghiệm sửa chữa: như giấy chuyển viện, giám đốc Bệnh viện ghi kính chuyển một nơi, nhân viên bệnh lý lại ghi bệnh viện khác, báo hại bệnh nhân chạy tới lui đứt cả thở; hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà… ghi sai số CMND, hoặc sai địa chỉ, phải đi tới đi lui rất phiền hà. Chưa kể có người trùng số CMND, số BHYT với người khác, đã xảy ra nhiều hệ lụy dở khóc dở cười, ít ngờ tới được.
5. Trong đời sống xã hội, chuyện nói qua nói lại gây hiểu lầm, hoặc cố tình gây nhiễu, khiến cho sự việc “tam sao thất bổn” vẫn thường xảy ra, nhân dân gọi là “Nói một đàng, hiểu một nẻo” hoặc theo kiểu “Nói tiếng Việt, mà không hiểu”. Điều này là tất nhiên, vì suy nghĩ, nhận thức, trình độ mỗi người mỗi khác. Do đó để tránh hiểu lầm, tốt nhất mỗi chúng ta hãy luôn cố gắng “nói đúng ý, viết đúng từ, nghe đúng nghĩa”, có vậy thông tin mới chính xác, không để xảy ra những chuyện hiểu lầm “sai một li, đi một dặm”.