Từ nhận thức: Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước. Từ đó, chị Tô Thị Ngọc Hòa đề ra sáng kiến mang tên: Một số biện pháp “Nâng cao chất lượng hoạt động làm quen chữ viết cho trẻ 5 tuổi”, thực hiện vào thời điểm năm học 2012 – 2013. Sáng kiến này đã giúp cho giáo viên và phụ huynh nhận thức đúng việc cho trẻ làm quen với chữ viết của trẻ 5 tuổi theo hướng mới, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi. Chị cho biết sáng kiến gồm 4 biện pháp cụ thể như: Tạo sự yêu thích của trẻ đối với chữ viết; Tạo môi trường chữ viết; Tổ chức đa dạng các hoạt động làm quen chữ viết và cuối cùng là phối hợp với phụ huynh. 4 biện pháp nêu trên nếu được giáo viên và phụ huynh thực hiện nghiêm túc sẽ giúp cho trẻ nhận biết và phân biệt được 29 chữ cái, phát âm đúng 29 chữ cái; Biết nhận biết từ và tiếng. Ngoài ra trẻ biết cầm, viết, ngồi tô đúng tư thế; tô viết đúng chữ cái; biết cách cầm sách, mở sách ra xem và quy trình đọc.
Chị Hòa chia sẻ: Qua 1 năm nghiên cứu và thực hiện sáng kiến đã được một số kết quả: Các cháu đã mạnh dạn tự tin, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của nhóm lớp. Giáo viên nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Giáo viên biết thiết kế và tổ chức hoạt động một cách cụ thể, toàn diện, sát với kế hoạch chỉ đạo nhà trường và phù hợp với tình hình thực tế của lớp. Các thầy, cô đã tổ chức các hoạt động hấp dẫn, sáng tạo thu hút trẻ. Cô Hòa cũng lưu ý: Khi thực hiện nếu thấy biện pháp nào không thực hiện được hoặc thực hiện không có hiệu quả, bản thân chị và các giáo viên sẽ đổi sang biện pháp khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó chị Hòa còn quan sát và ghi nhớ những trẻ còn chậm, tham gia chưa tích cực, để có nhiều biện pháp hơn giúp trẻ hòa nhập nhanh với các bạn. Các thầy cô ngoài phải nắm vững chuyên môn, biết tôn trọng trẻ, hiểu và tham gia cùng trẻ trong các hoạt động, giáo viên cũng cần chú ý lắng nghe nguyện vọng của trẻ để đưa ra các biện pháp cho phù hợp với trẻ. Với sự tận tâm và phương pháp đúng sẽ giúp trẻ tự trang bị nhiều kỹ năng mềm, mạnh dạn, tự tin và tăng cường khả năng tiếp thu. Chị Hòa nhấn mạnh: để hình thành sự mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động cần thiết, không chỉ cần thời gian cho trẻ quen dần, tiếp xúc với yêu cầu viết; mà còn đòi hỏi sự thống nhất những yêu cầu giáo dục, với cách thức và phương thức giáo dục trẻ giữa trường lớp và gia đình của trẻ.
Chị Hòa nói thêm: Những năm đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ, bởi tuy trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới, nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông. Do đó, bản thân cô và tập thể nhà trường sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp để tạo môi trường học tập, phát triển tốt nhất, trang bị đủ kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tự tin bước vào lớp Một và những bậc học tiếp theo.