Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ thể hiện rõ ở những nội dung sau: Sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước hết phải gắn liền với giải phóng dân tộc. Trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, tình cảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức là nỗi đau trăn trở đối với Bác. Trong hàng loạt bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Lơ Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa. Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Vì vậy, chỉ khi nào đánh đuổi được bọn thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc, người phụ nữ mới được giải phóng. Phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ nhiều nguồn gốc, trong đó có truyền thống văn hóa phương Đông và văn hóa Việt Nam. Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc những Di sản đó để làm giàu thêm vốn tri thức của mình. Nhưng người cũng phê phán những tư tưởng lạc hậu kìm hãm sự phát triển của lịch sử xã hội, trong đó có những định kiến sai lầm về người phụ nữ. Cũng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh cũng không chỉ dừng lại ở sự tố cáo tội ác của chế độ thực dân - phong kiến đối với người phụ nữ mà còn động viên, tổ chức cho người phụ nữ tham gia công cuộc giải phóng dân tộc, cứu nước. Trong tác phẩm: “Đường Kách mệnh” được tập hợp từ những bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), giữa những năm 20 (thế kỷ XX), người viết: “Ông C.Mác nói rằng: “Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào?”. Ông Lê-nin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”.
Trong công tác và cuộc sống hằng ngày, Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nữ và quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống của người phụ nữ. Giữa những năm 20, trong số 8 thiếu niên Việt Nam được giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, Người chú ý đến hai bạn nữ là Lý Phương Thuận và Lý Phương Đức. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Người dìu dắt từ đầu những năm 30, đã vượt qua nhiều thử thách và trở thành một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ phong tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Trong những năm qua Phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện để phụ nữ cả nước không ngừng phát triển, ngày nay phụ nữ Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng và toàn diện. Đảng ta có đường lối nhất quán và xuyên suốt về công tác vận động phụ nữ, Nhà nước thể chế hóa đường lối đó bằng pháp luật và các chính sách, chế độ... Với sự quan tâm và quí trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với phụ nữ, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, để phụ nữ Việt Nam không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua: “Vì một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”.