Đó là cô Lê Thị Út, hiện công tác tại Ban Quản lý chợ Hóc Môn. Cô sinh năm 1962 trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Mỹ Hòa 1, xã Trung Chánh, sớm mồ côi cha khi mới chào đời. Lớn lên trong sự thương yêu, che chở của mẹ và các anh chị trong nhà, là con út trong gia đình có 5 người con; hoàn cảnh đất nước lúc đó còn chiến tranh, đời sống gia đình vất vã, nên thời thơ ấu trôi qua với những tháng ngày cơ cực, cô vừa đi học, vừa làm rẫy phụ giúp gia đình.
Năm 1987, cô được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân phụ trách về nông nghiệp. Năm 2003, khi huyện có chủ trương tách xã Tân Xuân ra thành xã Xuân Thới Đông và Trung Chánh, cô được phân công giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Chánh, năm 2008 được bầu làm Chủ tịch HĐND xã. Tháng 4/2010, cô về công tác tại BQL chợ Hóc Môn cho đến nay. Là một cán bộ Thi đua – Khen thưởng và hòa giải, rồi Phó Chủ tịch Công đoàn BQL chợ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ; mặc dù tham gia nhiều đoàn thể nhưng cô luôn cố gắng làm tốt công việc của mình.
Cô kể “Làm công tác hòa giải không phải dễ, nhất là tại một chợ truyền thống; những mâu thuẫn, tranh chấp thường gặp nhất đó là: tranh chấp sạp, tranh chỗ ngồi, lấn diện tích, lấn lối đi chung, tranh giành khách hàng... Mỗi khi có người báo sự việc tranh chấp cô thường liên hệ với bảo vệ chợ để can thiệp kịp thời, tránh những xô xát không đáng có, sau khi xác minh xong sự việc, cô mời tiểu thương tới BQL chợ để phân tích đúng sai, khi tiểu thương đã hiểu thì sự việc mới được giải quyết êm xuôi”. Cô thường dùng từ ngữ nhẹ nhàng, dễ nghe để giảng hòa như “Cùng là tiểu thương với nhau nên mọi người phải đoàn kết, buôn bán theo phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, phải cân đúng, cân đủ, không nói thách...”. những buổi làm việc như thế cô đã hòa giải thành công rất nhiều sự việc. Từ 2010 đến nay cô đã hòa giải thành công 31 vụ việc. Chị Hà Thị Thảo – một tiểu thương bán dày dép sau khi được hòa giải đã cám ơn cô Út rất nhiều, chị bày tỏ “Nhờ cô Út mà tôi và chị Thắm đã hiểu ra vấn đề và rút đơn khiếu nại, đoàn kết, cùng buôn bán để nuôi sống gia đình”. Từ khi cô Út về công tác tại BQL chợ, số vụ tranh chấp có xu hướng giảm dần theo từng năm (năm 2010: 15 vụ; năm 2011: 6 vụ; năm 2012: 7 vụ; năm 2013: 3 vụ).
Cô được đồng nghiệp tin yêu và tiểu thương quý mến, khi được hỏi cô học tập những gì từ Bác Hồ? Cô chia sẻ “Tôi khâm phục Bác Hồ cách đối nhân xử thế; tinh thần trách nhiệm cao với công việc; cách sắp xếp công việc khoa học, hợp lý; gần dân và phục vụ nhân dân hết lòng; giải quyết sự việc thấu tình đạt lý...”. Trong đơn vị cô còn được coi là trung tâm đoàn kết của các cán bộ viên chức, người lao động.
Cô Huỳnh Thị Kim Cương, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết “Cô Út là người chấp hành nghiêm túc nội quy đơn vị; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có tác phong vui vẻ, hòa đồng, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp nên được mọi người trong BQL chợ và chị em tiểu thương quý mến. Là một cán bộ hòa giải tận tình, luôn chia sẻ khó khăn, chủ động góp ý giúp đồng nghiệp hoàn tốt nhiệm vụ chung”.
Cô Út đã cho tôi thấy được tinh thần trách nhiệm trong công việc và học tập ở Bác Hồ từ những điều nhỏ, bé, giản đơn hằng ngày; điều quan trọng mà một người cán bộ cần phải có đó là tu dưỡng đạo đức cách mạng; có lối sống gần gũi với dân, trọng dân, biết lắng nghe dân nói thì chẳng có việc gì là không thể làm được. Mong rằng cô Út sẽ phát huy tinh thần đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà ngày càng giàu mạnh.