Ông Nguyễn Thanh Trà - Người đánh tiếng mõ Nam Lân trong cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa
Tinh thần yêu nước cách mạng quật khởi, khí thế sôi sục đấu tranh của nhân dân ta trong những ngày tháng cuối năm 1940, mãi là dấu ấn sáng ngời, in đậm trong trái tim bao thế hệ, mỗi khi nhắc lại trong lòng mỗi người đều dâng lên niềm tự hào tiếp nối. Cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, là cuộc khởi nghĩa qui mô lớn nhất cả nước, từ cuối thế kỷ 19 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; là cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo toàn diện, có sự chuẩn bị kỹ về lực lượng, kế hoạch vũ trang ở từng địa phương, huy tụ được lực lượng nghĩa quân và Nhân dân tham gia đông đảo. Cuộc khởi nghĩa nổ ra đồng loạt ở 20 trong số 21 tỉnh, thành phố Nam Kỳ, mạnh nhất là ở các vùng Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cà Mau, Rạch Giá...Trong đó, Xứ ủy thống nhất chọn mặt trận Sài Gòn - Gia Ðịnh làm trọng điểm, là nơi phát lệnh khởi nghĩa toàn Nam Kỳ. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, Ðảng bộ các tỉnh thành khắp Nam Kỳ thành lập Ban khởi nghĩa, huy tụ lực lượng, tập luyện vũ trang, chuẩn bị khởi nghĩa…
Ôn lại truyền thống Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không thể không nhắc đến vùng đất "18 thôn vườn trầu" Hóc Môn - Bà Ðiểm. Tại vùng đất này, Trung ương Đảng đã mở Hội nghị (tháng 9/1939), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng sang đấu tranh vũ trang giành Chính quyền; đến Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ (tháng 9/1940), quyết định thời điểm khởi nghĩa toàn Xứ, vào lúc 00 giờ, đêm 22 rạng 23/11/1940. Tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định, tiêu biểu tại Hóc Môn - Bà Điểm, cuộc khởi nghĩa diễn ra mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Hóc Môn, trực tiếp là Bí thư Quận ủy Phạm Văn Sáng, Chỉ huy trưởng quân sự Đặng Công Bỉnh, Quận ủy viên Đỗ Văn Dậy…quần chúng nhân dân như những lớp sóng tràn lên, tiến công vào đồn bốt của địch. Tại Dinh quận Hóc Môn, Ủy ban khởi nghĩa quận Hóc Môn huy động lực lượng nghĩa quân ở 4 Tổng (Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung, Bình Thạnh Trung) chia thành 4 mũi tiến công, áp vào dinh lũy của tên Quận trưởng Hóc Môn. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, lúc nghĩa quân nổ súng tiến công đồn, quần chúng cách mạng các làng chung quanh quận lỵ đã tiến hành nổi trống mõ đồng loạt, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân và uy hiếp tinh thần địch. “Tiếng mõ Nam Lân” ở Bà Điểm, được đồng chí Nguyễn Thanh Trà (tức Năm Trà) đánh vang lên liên tục, hòa cùng tiếng trống, thùng thiếc, tù và, tiếng reo hò của quần chúng khắp nơi, đã thúc giục tinh thần chiến đấu ngoan cường của lực lượng các cánh quân, làm cho bọn địch hoang mang, lo sợ và mất hết tinh thần kháng cự. Quân khởi nghĩa làm chủ tình hình, bao vây Dinh quận đến gần sáng, thì nghe tin viện binh của Pháp từ Gia Định và Thủ Dầu Một kéo sang, nghĩa quân rút về hướng Truông Mít, bảo toàn lực lượng, để chờ đợi thời cơ mới. Cuộc khởi nghĩa ở Hóc Môn nói riêng và nhiều địa phương khác như: Châu Thành; Mỹ Tho - Tiền Giang; Vũng Liêm - Vĩnh Long; Long Xuyên; Châu Đốc, Rạch Giá; Cà Mau…tuy không thành công, nhưng đã nói lên ý chí quật cường, tinh thần hy sinh dũng cảm của chiến sĩ và Nhân dân, quyết giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Là kinh nghiệm thực tiễn quí báu về xây dựng lực lượng, nắm lấy thời cơ cách mạng, để 5 năm sau, Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945.
Một dấu ấn đặc biệt trong cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đó là lần đầu tiên xuất hiện Lá Cờ đỏ sao vàng. Do tháng 3/1940, khi Xứ ủy Nam Kỳ triển khai Ðề cương khởi nghĩa đã giao nhiệm vụ thiết kế mẫu Lá cờ cho đồng chí Phan Văn Khỏe - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy - Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4/1940, đồng chí Phan Văn Khỏe giao đồng chí Lê Quang Sô - người phụ trách cơ sở in ấn của Tỉnh ủy thông qua mẫu nền Cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa. Tháng 7/1940, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ; tháng 9/1940 chỉ đạo các địa phương, chọn Lá cờ đỏ sao vàng làm ngọn cờ tập hợp nghĩa quân khi tiến hành khởi nghĩa. Từ đó, Lá cờ đỏ sao vàng chính thức trở thành Quốc kỳ nước ta sau Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9/1945.
Kỷ niệm 82 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2022), mỗi chúng ta càng thấu hiểu hơn về những đóng góp hào hùng của thế hệ cha anh đi trước, để lại nhiều dấu ấn lịch sử về tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường của Nhân dân, quyết hy sinh giành thắng lợi, đem lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Thế hệ ngày nay quyết tâm học tập và noi theo, ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng hạnh phúc, phồn vinh.