Hình minh họa (nguồn hình: mạng Internet)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ, như một số người cho rằng đánh con là việc “bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời, vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Sự dồn nén tâm lý của một người do những khó khăn về kinh tế hoặc vì các chất kích thích cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ. Kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội; vi phạm pháp luật…cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực.
Thực trạng và tình hình bạo lực đối với trẻ không chỉ dừng lại ở câu chuyện bạo lực về thể chất mà còn liên quan đến tinh thần. Có thể những vết thương sẽ lành theo năm tháng, nhưng về mặt tinh thần sẽ để lại di chứng nhiều năm nếu không có sự can thiệp triệt để và có những giải pháp để tư vấn, trị liệu tâm lý cho trẻ đang trong hoàn cảnh bị bạo lực. Trẻ em thuộc nhóm yếu thế, phụ thuộc vào người lớn, vào người sinh ra và đang nuôi dưỡng các em, do đó, phản ứng về tâm lý khi trẻ phải đối mặt với những tình huống bạo lực là rất lớn, ngay cả trước khi tình huống bạo lực xảy ra, ảnh hưởng đến sự tự tin và lo sợ của trẻ. Những trận đòn roi không chỉ ám ảnh các em đang thức, mà nó in hằn vào trong giấc mơ, các em mơ về những giấc mơ bị bạo lực, nó quay trở lại những tình huống mà các em phải khóc mới giải tỏa được. Trong tiến trình phát triển về tâm lý, thể chất của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, cảm thấy bị cô lập với thế giới, các em cũng có thể trở thành một phiên bản bạo lực trong tương lai, các em sử dụng những khuôn mẫu hành vi bạo lực đó với bạn bè, những người xung quanh và thậm chí với những đứa con của các em sau này.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cần phải tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em: chăm sóc, phát triển toàn diện, tạo lập môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ; bảo vệ trẻ trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính; bảo vệ trẻ trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em. Cộng đồng, gia đình cần chú trọng giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ…