Đây cũng là trách nhiệm và bổn phận của người cán bộ công chức khi nhận lương từ ngân sách nhà nước cũng là từ tiền nộp thuế của người dân. Thiết nghĩ tồn tại lớn nhất trong cải cách hành chính hiện nay chính là do tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, thậm chí còn nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Thực tế cho thấy, ở những nơi, đơn vị, cán bộ được lựa chọn kỹ, rèn luyện kỹ về tác phong, đạo đức công vụ, thì nơi đó công việc trôi chảy, được lòng dân. Ngược lại, ở những nơi cán bộ công chức lơ là trách nhiệm, thiếu công tâm, thì để lại điều tiếng, gây mất lòng tin với nhân dân... Hiện nay, tỉ lệ giải quyết hồ sơ theo đúng thời gian quy định của Bộ Thủ tục hành chính đạt hiệu suất cao trên địa bàn huyện, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực tương đối nhẹ nhành như các khâu đăng ký khai sinh, hộ tịch, cấp giấy CMND, hộ khẩu, bảo hiểm y tế... Trong khi đó, việc xem xét, tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế... đâu đó, từng lúc từng nơi vẫn còn gây bức xúc cho người dân. Có những trường hợp người dân đã làm đơn thư gởi đến đồng chí Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện trực tiếp xem xét giải quyết.
Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, trong việc tiếp nhận, thụ lý và kiểm tra, giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến các lĩnh vực “nhạy cảm” người cán bộ công chức phải có cái “tầm” tức là người cán bộ công chức phải đủ kiến thức, trình độ, kỹ năng, hiểu biết, kinh nghiệm để xử lý hồ sơ, công việc theo đúng quy định pháp luật mà vẫn tạo điều kiện giải quyết thuận lợi nhất cho người dân. Không được quá khuôn khổ, nguyên tắc, quy định cứng nhắc tức nhiên là có những điều quy định cơ bản phải có mới giải quyết được. Về cái “tâm” của người cán bộ công chức là phải có phẩm chất đạo đức trong sáng không vụ lợi, đòi hỏi, vòi vĩnh. Khi tiếp nhận hồ sơ nên giải thích cho người dân một cách đầy đủ, thông hiểu và giúp họ làm đúng các thủ tục cần thiết, hạn chế việc mỗi lần tiếp nhận là mỗi lần phải bổ sung, làm đi làm lại nhiều lần. Hạn chế việc đòi hỏi người dân phải cung cấp các loại giấy tờ không cần thiết, không có liên quan đến nội dung, tính chất công việc. Nếu người cán bộ công chức nào cũng làm hết trách nhiệm, bổn phận của mình thì chắc rằng lòng tin của người dân vào Đảng và chính quyền ngày càng cao và là chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ nhân dân.