Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, lối sống thực dụng, sự ảnh hưởng tiêu cực của các luồng văn hóa ngoại lai, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình… đang xâm nhập, tác động mạnh mẽ vào mỗi nếp nhà khiến những giá trị cốt lõi về tình yêu thương và sự tôn trọng không còn được quan tâm đúng mức. Hiện nay công tác xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân với những chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình được phát huy, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc và động viên cộng đồng chung tay trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu báo cáo của BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện có hơn 95% hộ đạt Gia đình Văn hóa năm 2015. Đây là con số cho thấy hiệu quả của việc triển khai thực hiện công tác xây dựng “Gia đình văn hóa” được triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục từ việc tổ chức đăng ký đến bình xét, công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho các hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa. Việc đánh giá, bình xét gia đình văn hóa được các xã, thị trấn thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ. Những nội dung được chú ý khi bình xét gia đình văn hóa là việc chấp hành luật pháp của Nhà nước về an toàn giao thông, gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, gia đình hòa thuận, không có bạo lực, tham gia sinh hoạt Tổ nhân dân, Tổ dân phố và tương trợ cộng đồng… Phong trào xây dựng gia đình văn hóa có tác dụng góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển. Trong các gia đình văn hóa có gia đình sống quây quần 3-4 thế hệ nhưng vẫn đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Trong những tổ ấm đó, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sự thủy chung và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như vợ chồng, cha mẹ với con cái luôn được tôn trọng, gìn giữ.
Danh hiệu văn hóa không mâu thuẫn với số vụ bạo lực gia đình, số vụ ly hôn hay những biểu hiện lệch lạc trong xã hội thì công tác bình xét danh hiệu cần đi vào thực chất. Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, làm sao lan tỏa những giá trị cốt lõi của tình yêu thương, sự bình đẳng, xóa bỏ định kiến về giới và bất bình đẳng giới là một thực tế đang được đặt ra hết sức quan trọng, cần những giải pháp cụ thể, thiết thực cùng sự chung tay nỗ lực của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Để có được gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa thì nhất định phải có những con người văn hóa. Hơn bao giờ hết, việc xây dựng Gia đình văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của công tác gia đình, không chạy theo danh hiệu hình thức mà cần đi vào thực chất và hiệu quả.
Tác giả: THỤY AN
Nguồn tin: baobacninh.com.vn